Vintage – Phong cách thiết kế nội thất
Vintage những dấu ấn của thời gian, những cảm xúc tinh t, sự lưu lại hoàn hảo và nhẹ nhàng ẩn chứa trong đó là cả một sự hoài niệm về một thời đã qua.
Vintage là phong cách thiết kế nội thất kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và cổ điển từ các thập niên trước, đó có thể là các đồ vật được tái sử dụng với một chức năng mới hoặc những đồ dùng mới nhưng được thiết kế theo phong cách xưa cũ. Ngôi nhà theo phong cách vintage thường mang lại cho ta cảm giác như bước vào không gian phủ một lớp “bụi” thời gian, đượm nét hoài niệm ẩn chứa ở đâu đó là nét lãng mạn, dịu dàng khó phai.
Để hình thành phong cách vintage chủ yếu là sự kết hợp về màu sắc, họa tiết, các chất liệu trang trí, và đặc biệt là những đồ dùng trang trí được tái sử dụng một cách đầy sáng tạo và linh hoạt.
- Màu sắc và họa tiết đặc trưng
Phong cách vintage chính thống thường sử dụng màu trắng là gam màu chủ đạo, sau đó dần mở rộng sang những gam màu trung tính như màu be và màu kem. Những gam màu này chiếm phần lớn diện tích căn phòng, trải rộng khắp các bức tường, trần nhà làm nền tạo nên sự nổi bật các đồ dùng nội thất.
Ngay trong phong cách vintage cũng chia thành hai phong cách riêng biệt là Art Deco Vintage (từ những năm 1920 tới những năm 1940) và Mid Century Modern (từ những năm 1930 tới 1960) cùng với cách phối hợp màu sắc rất khác nhau. Nếu Art Deco Vintage thiên về những màu sáng và trung tính tạo cảm giác về một không gian nhẹ nhàng thì Mid Century Modern lại sử dụng các tông màu ấn tượng hơn mang đến cho căn phòng cảm giác sâu hơn.
Cùng với đó, những gam màu được sử dụng để làm điểm nhấn cho không gian, thông qua đồ dùng nội thất cũng được phân chia theo từng giai đoạn ứng với các phong cách vintage. Màu hồng nhạt, xanh lá cây và vàng nhạt thường gợi nhớ đến những năm 1930 và 1940. Trong khi đó những năm 1950 là năm của gam màu như đỏ tươi, xanh đen và sọc hoặc chấm polka. Thập niên 1960 và 1970 là dành cho tông màu đất cùng những họa tiết hoa văn lớn.
Những bông hoa to, nhỏ với màu sắc rực rỡ, sống động là đặc trưng mang đậm tính vintage thường xuất hiện trên những đồ trang trí nội thất. Bao bọc cả bộ ghế sofa hoặc chỉ điểm xuyết trên những chiếc gối tựa, những tấm rèm cửa sổ, những họa tiết mang dấu ấn của những thập niên 20 đến 80 mang đến cho căn phòng vẻ cổ điển và sang trọng. Đây là một trong những cách thức đơn giản nhất để nhanh chóng đưa hơi thở vintage vào ngôi nhà của bạn.
- Đồ nội thất tạo cảm giác tinh tế
Những đồ nội thất theo phong cách này thường có thiết kế vô cùng trang nhã với những đường nét mềm mại và thanh thoát. Thoạt nhìn nội thất trong một căn phòng theo phong cách vintage toát lên vẻ đơn giản nhưng trên thực tế việc kết hợp các đồ dùng vừa hiện đại vừa cổ điển với nhau sao cho “đúng điệu” lại là một công việc đòi hỏi tính thẩm mỹ rất cao.
Mộc mạc và gần gũi là cảm giác mà phong cách vintage mang lại thông qua việc sử dụng nhiều các chất liệu gỗ, vải thô hoặc cotton. Sàn gỗ với màu sắc tự nhiên là lựa chọn lý tưởng nhất cho nội thất phong cách này. Phần lớn tủ kệ cũng được làm bằng chất liệu gỗ hoặc kim loại mạ crôm, những chất liệu này khi nhuốm màu thời gian lại mang hiệu quả tuyệt vời trong việc tạo cảm xúc về hoài cổ cho không gian.
Trong khi các loại vải bọc sofa, ghế bành và gối tựa chủ yếu dùng chất liệu vải thô tạo cảm giác cổ điển, thì rèm cửa bằng ren hoặc vải cotton, voan lại là những đồ vật không thể thiếu để hoàn thiện căn phòng theo phong cách vintage.
- Dấu ấn thời gian
Những món đồ in đậm dấu vết của thời gian lại rất được ưa chuộng sử dụng trong trang trí nội thất vintage. Không giống như phong cách “retro” là những thiết kế mới được tái hiện lại giống kiểu dáng cổ điển, vintage là sự cổ điển thực thụ, là những đồ vật đã từ những thập niên trước còn lưu giữ lại với đầy đủ, nguyên vẹn dấu
Những món đồ vật tưởng như đã lỗi mốt nhưng lại vô cùng ấn tượng và hài hòa khi đặt vào một căn phòng theo phong cách vintage tạo cho không gian vẻ xưa cũ, đong đầy cảm xúc.Tuy nhiên, không phải bất kỳ món đồ cũ nào cũng có thể sử dụng và cũng cần tiết chế về số lượng nếu bạn không muốn biến căn phòng trờ thành “kho” chứa đồ cũ. Đối với những đồ nội thất có kích thước lớn thì chỉ nên dừng lại ở tối đa là ba đến năm món đồ, không nên quá “tham lam” mà cần có sự kết hợp hài hòa với không gian xung quanh.Bảo đảm nét “cổ kính” cho các đồ dùng cũ nhưng bạn cũng cần bảo đảm rằng chúng vẫn đủ chắc chắn để sử dụng. Những vết nứt nhỏ, trầy xước hoặc rỉ sét chỉ được chấp nhận khi chúng không ảnh hưởng đến chức năng của đồ dùng. Nếu cần bạn có thể phải “xử lý” để chúng mang tính nghệ thuật hơn, đặc biệt là lưu ý việc loại bỏ gỉ sét để chúng không làm ảnh hưởng đến không gian sống và những vật dụng khác.
- Tái sử dụng đồ cũ với chức năng mới
Nhắc đến phong cách vintage người ta không thể bỏ qua việc tái sử dụng những đồ dùng cũ với những chức năng mới. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt thú vị của phong cách này. Sự khéo léo và dấu ấn cá nhân của bạn sẽ được thể hiện đậm nét trong cách mà bạn tạo biến đổi chức năng cho những đồ dùng cũ.
Hãy phát huy tối đa sự sáng tạo, bạn có thể mang lại những bất ngờ thú vị và nét rất riêng cho ngôi nhà của mình. Chiếc thang cũ có thể trở thành giá treo đồ, chiếc vali sờn màu được sử dụng thay cho chiếc bàn nhỏ, hay một chiếc hộp gỗ phai màu được sử dụng như tủ… Mọi đồ vật cũ trong nhà đều có thể được “giao” một trọng trách mới tùy thuộc vào trí khiếu thẩm mỹ của bạn. Tuy nhiên, cũng như việc tiếp tục sử dụng những món đồ cũ, bạn cần bảo đảm tính an toàn và vệ sinh cho các đồ dùng “tái chế” này.
- Những phụ kiện không thể thiếu
Thảm trải sàn: Những tấm thảm trải sàn với màu sắc trang nhã với những họa tiết cổ điển là đồ vật không thể thiếu được trong nội thất phong cách vintage.
Những đồ vật trang trí mang đậm nét hoài cổ: một chiếc điện thoại từ thập niên 80, một bộ chân nến, chiếc đồng hồ để bàn hay những đồ vật trang trí nho nhỏ đặt rải rác khắp phòng hoặc tập trung trên những chiếc kệ là những đồ vật không thể thiếu trong phong cách vintage. Tùy theo thuộc vào mốc thời gian mà bạn chọn để sưu tập những món đồ trang trí phù hợp tạo nên sự thống nhất và làm đậm nét hơn cho phong cách.
Hiểu biết sâu sắc về phong cách trang trí nội thất mà bạn định chọn cho ngôi nhà sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo vẻ đẹp hoàn hảo và tối đa hóa sự tiện nghi cho không gian sống của gia đình mình.